Ngày 12/12/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Theo Thông tư này, các phương thức đánh giá hợp quy gồm có 8 phương thức dưới đây:

Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình

Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường

Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý

Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa

Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa

– Thử nghiệm mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hóa để kết luận về sự phù hợp có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm, hàng hóa đã được lấy mẫu thử nghiệm.Tiến hành lấy mẫu điển hình cho sản phẩm, hàng hóa. Mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hóa là mẫu đại diện cho một kiểu, loại cụ thể của sản phẩm, hàng hóa được sản xuất theo cùng một dạng thiết kế, trong cùng một điều kiện và sử dụng cùng loại nguyên vật liệu. Số lượng mẫu phải đủ cho việc thử nghiệm và lưu mẫu.

– Quá trình sản xuất phải xem xét đầy đủ tới các điều kiện kiểm soát của nhà sản xuất liên quan đến việc tạo thành sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các điều kiện kiểm soát bao gồm: Kiểm soát hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm; Kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ đầu vào, qua các giai đoạn trung gian cho đến khi hình thành sản phẩm bao gồm cả quá trình bao gói, xếp dỡ, lưu kho và vận chuyển sản phẩm; Kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm; Kiểm soát trang thiết bị công nghệ và trang thiết bị đo lường, kiểm tra, thử nghiệm; Kiểm soát trình độ tay nghề công nhân và cán bộ kỹ thuật; Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác. Trường hợp nhà sản xuất đã có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận hoặc được thừa nhận đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm, hàng hóa được đánh giá, không cần phải đánh giá quá trình sản xuất.

– Chất lượng của sản phẩm, hàng hóa có khả năng bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa phải có biện pháp hữu hiệu để thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.

– Đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa được xem là phù hợp với quy định nếu số lượng mẫu thử nghiệm có kết quả không phù hợp nằm trong giới hạn cho phép. Lô sản phẩm, hàng hóa được xem là không phù hợp với quy định nếu số lượng mẫu thử nghiệm có kết quả không phù hợp vượt quá giới hạn cho phép.

– Việc thử nghiệm hoặc kiểm định sản phẩm, hàng hóa do phòng thử nghiệm, phòng kiểm định đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ Khoa học Công nghệ, có năng lực tiến hành tại nơi sản xuất, nơi lắp đặt, nơi sử dụng hoặc tại phòng thử nghiệm, phòng kiểm định. Các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa cần thử nghiệm, kiểm định và phương pháp thử nghiệm, kiểm định được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Xem xét các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa qua kết quả thử nghiệm hoặc kết quả kiểm định so với yêu cầu. Sản phẩm, hàng hóa được xem là phù hợp nếu tất cả các chỉ tiêu của sản phẩm, hàng hóa được thử nghiệm hoặc kiểm định phù hợp với mức quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng.

– Đánh giá sự phù hợp của hệ thống quản lý cần tuân theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Sự phù hợp của hệ thống quản lý có giá trị hiệu lực tối đa 3 năm với điều kiện hệ thống quản lý được đánh giá giám sát. Việc giám sát thông qua việc đánh giá hệ thống quản lý với tần suất đánh giá giám sát phải đảm bảo không quá 12 tháng/1 lần. Kết quả giám sát là căn cứ để quyết định tiếp tục duy trì, đình chỉ, hủy bỏ sự phù hợp của hệ thống quản lý. Đặc biệt, sự ra đời của Thông tư 27/2010/TT-BKHCN cho phép các tổ chức chứng nhận tư nhân, các tổ chức chứng nhận nước ngoài tham gia hoạt động đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của các cơ quan hành chính nhà nước là một sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về cải cách hành chính theo hướng Xây dựng nền hành chính phục vụ. Tổ chức chứng nhận có thể được công nhận bởi một hoặc nhiều cơ quan công nhận (Accreditation Body). Cơ quan công nhận là tổ chức chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các Tổ chức chứng nhận nhằm đảm bảo việc chứng nhận ở mọi doanh nghiệp, quốc gia đều có giá trị như nhau.