Quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc để có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
- Vì sao chúng ta phải thực hiện quan trắc môi trường lao động?
Môi trường lao động luôn tiềm ẩn các mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe và tai nạn thương tích, báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế cho thấy trong khoảng thời gian 5 năm từ 2011 – 2016, số mẫu quan trắc môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất trên cả nước không đạt tiêu chuẩn chiếm khoảng 10% trên tổng số 2.452.919 mẫu thực hiện. Các yếu tố luôn có tỷ lệ mẫu đo không đạt cao nhất trong 5 năm bao gồm vi khí hậu (8,6%), phóng xạ, điện từ trường (23,25%), tiếng ồn (16,53%) và ánh sáng (12,04%).
Chính vì vậy, việc thực hiện quan trắc môi trường lao động là một việc làm cần thiết nhằm phát hiện sớm các nguy cơ, kịp thời có biện pháp kiểm soát phòng tránh tai nạn và các bệnh nghề nghiệp là một điều hết sức cần thiết.
- Cơ sở pháp lý yêu cầu thực hiện quan trắc môi trường lao động
Việc thực hiện quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động một mặt giúp kiểm soát các yếu tố nguy hại, bảo vệ sức khỏe nhân viên. Mặt khác, kết quả quan trắc đánh giá mức độ tiếp xúc còn là cơ sở để thực hiện việc chế độ phụ cấp độc hại cho nhân viên theo đặc thù các bộ phận làm việc. Bên cạnh đó, việc bắt buộc thực hiện quan trắc còn được quy định tại các văn bản pháp quy sau:
Bộ Luật lao động 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 quy định: người sử dụng lao động có nghĩa vụ bảo đảm các điều kiện môi trường làm việc và an toàn lao động; đồng thời kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động (điều 138).
Tương tự, Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 06 năm 2015, Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2017 Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật khử độc, khử trùng cho người lao động. Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá ít nhất một lần trong một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực (điều 18 – Luật An toàn, vệ sinh lao động).
Bên cạnh đó, tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 đã quy định nội dung thực hiện quan trắc cũng như yêu cầu năng lực của đơn vị thực hiện quan trắc. Từ đây, các doanh nghiệp có thể căn cứ lựa chọn đơn vị thực hiện quan trắc, đảm bảo tính chính xác, khách quan và được đơn vị thanh kiểm tra bên ngoài công nhận kết quả báo cáo.
Việc không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định tại khoản 3 điều 26 nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 như sau:
Điều 26. Vi phạm quy định về quan trắc môi trường lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức quan trắc môi trường có một trong các hành vi sau: không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có thay đổi về địa chỉ trụ sở, chi nhánh; không tham gia khóa huấn luyện cập nhật kiến thức về chính sách pháp luật, khoa học công nghệ về quan trắc môi trường lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi không công bố công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm biết ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phối hợp với tổ chức quan trắc môi trường lao động gian lận trong hoạt động quan trắc môi trường lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ quan trắc môi trường lao động mà chưa được công bố đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.
6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với tổ chức quan trắc môi trường lao động có một trong các hành vi sau: phối hợp với người sử dụng lao động gian lận trong hoạt động quan trắc môi trường lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; tiến hành quan trắc môi trường lao động không theo quy trình được pháp luật quy định.
7. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với tổ chức quan trắc môi trường lao động có hành vi cung cấp kết quả quan trắc môi trường mà không thực hiện quan trắc môi trường theo quy định.
8. Hình thức xử phạt bổ sung
Đình chỉ hoạt động quan trắc môi trường lao động của tổ chức quan trắc môi trường lao động từ 03 tháng đến 06 tháng khi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này.