Tai nạn nghề nghiệp lúc nào cũng có thể xảy ra và nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả đó chủ yếu do những ‘hành vi không an toàn của người lao động’ và ‘môi trường làm việc không an toàn’.
Việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động giúp người lao động và người sử dụng lao động nhận biết được các nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn cũng như biện pháp phòng tránh các sự cố tai nạn nghề nghiệp.
Có thể nói, việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để người lao động chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, hiểu rõ các tình huống nguy hiểm tiềm tàng ở nơi làm việc có thể dẫn đến tai nạn lao động bất cứ lúc nào để có sự chuẩn bị từ trước thông qua việc dự báo rủi ro để có biện pháp phòng ngừa tai nạn trong quy trình sản xuất, vận hành thiết bị.
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động không chỉ đảm bảo cho người lao động làm việc tốt, làm đúng yêu cầu, quy định của cơ quan quản lý nhà nước mà đây là hoạt động mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, bởi việc sản xuất an toàn giúp quy trình sản xuất của doanh nghiệp hoạt động liên tục, giảm thiểu chi phí cho các sự cố về con người lẫn máy móc và cuối cùng là giúp tăng năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm đầu cuối.
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là yêu cầu bắt buộc đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định rõ tại Nghị định 44/2016NĐ-CP rằng người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Người lao động được huấn luyện bao gồm người lao động trong cơ sở, doanh nghiệp do người sử dụng lao động quản lý và người lao động hành nghề tự do được cơ sở, doanh nghiệp thuê mướn, sử dụng. Sau khi được huấn luyện ATVSLĐ và kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu thì người lao động (bao gồm cả người lao động hành nghề tự do) phải ký vào sổ theo dõi công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở, doanh nghiệp.
Hành vi không huấn luyện an toàn cho người lao động được xử lý như sau:
Theo điều 24 nghị định 28/2020/NĐ-CP của chính phủ ngày 01/3/2020 có quy định:
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với tổ chức hoạt động huấn luyện không huấn luyện mà nhận kết quả huấn luyện theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người trở lên.